Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

HỒI KÝ


Hồi Ký :

(từ 30.09.04 đến 29.10.04)

1-   Từ Montpellier đến Paris
  
   Ngày giờ cho một chuyến Mỹ du của đôi uyên ương Minh Hồ & Minh Hồ Đào đã đến.
-Lúc O giờ rạng sáng ngày 30.09.
    Màn đêm bao trùm vạn vật một màu đen. Bắt đầu vào thu, tiết trời hơi lành lạnh.
    Chúng tôi suốt cả tuần lo lắng sắp xếp thu gọn quần áo mặc trong một tháng để đi dự Đại Hội Thơ, tham quan thành phố và thăm bạn bè, mua quà tặng những người thân bên Mỹ như nước tương Maggi, Foie Gras de Canard, mấy chai rượu mạnh, rượu đỏ, cà phê do Pháp sản xuất và vài bịt kẹo, bánh cho ba đứa con nhỏ của anh Chính, chị Điệp, nên đến giờ nầy mới được giây phút ngã lưng trên chiếc giường đôi của cặp vợ chồng già.
   Chúng tôi cố dỗ giấc ngủ để hồi lại sức lực dành cho cuộc hành trình sắp tới suốt mười mấy tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay từ Pháp sang Mỹ quốc.
   Chặng đầu tiên chúng tôi khởi hành đi từ phi trường Montpellier Méditerranée lúc 06 giờ 40 sáng ngày 30.09.04. Có thể nói tâm trạng của chúng tôi lúc nầy  không biết tả sao cho đúng. Bởi nỗi vui hòa lẫn sự lo âu...Vì đây là lần đầu tiên chúng tôi đi Mỹ nên có những cái sợ đối với người thường xuyên đi Mỹ thì gọi là thừa.
   Đặc biệt là chính tôi, vì tôi còn mang quốc tịch Việt mặc dù Tòa Đại Sứ Mỹ tại Paris đã cấp Visa cho tôi vào nước Mỹ. Visa đề rõ ràng là có giá trị một năm kể từ ngày 21.04.2004 đến 20.04.2005 tôi muốn đi qua Mỹ lúc nào cũng được. Tuy biết rằng  là vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn lo lắng. Nhiều lúc tôi đặt thí dụ không may trước cho vợ tôi nghe :
- Nầy em, nếu đến cửa khẩu vào đất Mỹ mà một trong hai đứa bị đuổi về thì tất cả cùng về nghe?          
Vợ tôi thì ra vẻ lạc quan hơn nên nói lại với giọng tự tin :
- Không có chuyện đó đâu, anh cứ lo hoài mệt trí, để tâm trí nghĩ chuyện khác. Em nghĩ số mình được đi mà.
   Nghe vợ mình nói như thế, lòng tôi lắng dịu phần nào lo âu.
   Chúng tôi nằm ngủ nhưng nào có thẳng giấc ngủ đâu, vì sợ ngủ quên trễ chuyến bay kể như chương trình đi bị sai lệch và rồi  sẽ bị nhiều phiền phức đến bản thân mình luôn cả người thân của mình bên Mỹ nữa. Mặc dù đã để đồng hồ 3 giờ rưởi sáng đánh thức chúng tôi dậy. Nhưng lòng tôi vẫn cứ mắc căn bệnh lo âu và hay có những ý nghĩ xa vời vớ vẫn : lỡ đồng hồ không reo thì sao?
    Song song nỗi lo lắng của tôi là anh chị Nguyễn Duy Thông, anh chị Đặng Phi Hùng. Hai gia đình nầy đã hổ trợ tinh thần gia đình tôi một cách tích cực trong suốt quãng thời gian chúng tôi chuẩn bị hành lý đem qua Mỹ, mua quà cáp cho hợp túi tiền mà người sống bên Mỹ ưa thích và  và chỉ dẫn những giấy tờ cần thiết có liên quan đến việc chuyến đi Mỹ của chúng tôi sắp tới vì họ vừa mới đi Mỹ về.
     Điểm quý giá nhứt của anh chị Hùng là sẳn lòng lấy xe chở chúng tôi ra phi trường Montpellier Méditerranée rạng sáng (4 giờ) ngày 30.09.04 trước giờ chị Hùng đi làm việc. Và anh chị Thông thì nhận rước chúng tôi từ Mỹ về Pháp tại phi trường Montpellier Méditerranée ngày 29.10.04 lúc 2 giờ chiều. Sự giúp đỡ sốt sắng của anh chị Hùng, anh chị Thông làm chúng tôi cảm kích vô cùng.
     Tối hôm qua, ngày 29.09, lúc 21 giờ đêm anh chị Hùng đến nhà nhờ chúng tôi trao lại cho Má anh Hùng đang sống tại San José, gần nhà của anh Chính, tiền và một vài món đồ nhỏ và nhẹ cân khi sang tới Mỹ.̣ Anh Hùng lấy giấy ghi lại tất cả lịch trình của chuyến bay mà chỗ bán vé đi du lịch (Agence de voyage) đã đưa cho chúng tôi. Anh cẩn thận ghi tóm lược từ lúc đi đến khi về tới Pháp.
     Lộ trình của chúng tôi như sau : Montpellier - Paris - Chicago - San José - Washington DC- Paris- Montpellier. Vé mua là 695 Euros một người, không được đổi tên người đi hay thay đổi ngày giờ đi về.
     Chúng tôi có 2 trạm dừng chân là San José (3 tuần) ở nhà người anh ruột thứ tư Đào Trung Chính và Washington DC (một tuần) để dự Đại Hội Thơ Kỳ 4 do Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại tổ chức từ 21.10 tới 28.10
     Anh Hùng ghi tóm lược trên một tờ giấy nhỏ chữ to ngày, giờ và cửa khẩu phải đổi từ Montpellier tới San José để chúng tôi dể nhớ và không cần phải móc ra móc vô tờ lịch trình, không khéo thì vé máy bay bị đánh rơi mất. Sự lo lắng của anh chị Hùng về việc đi Mỹ của chúng tôi khiến tôi cảm xúc vô vàn, cho tôi có cảm nghĩ rằng đây là chuyến đi của anh chị. Gần 12 giờ đêm , anh chị Hùng cáo biệt ra về cùng để dành sức, sáng sớm ngày mai thức dậy đưa chúng tôi ra phi trường Montpellier Méditerranée.
     Dù để đồng hồ reo nhưng chúng tôi thức dậy trước, chuẩn bị thay quần áo tươm tất, kiểm soát lại giấy tờ lần chót. Cùng lúc với đồng hồ để báo thức 3 giờ sáng rạng ngày 30.09, tiếng chuông điện thoại reo. Tôi bắt nghe, từ đầu dây bên kia phát lên giọng khàn khàn của anh Hùng.
-Allô, thức chưa, tôi đến ngay.
-Đã thức rồi, tôi đáp nhanh.
     Một khắc sau, anh chị Hùng đến và đem cho chúng tôi hộp thuốc uống ngừa say sóng. Và anh còn cho chúng tôi thêm viên thuốc tăng cường sức khỏe trong khi đi đường. Gần 3 giờ rưởi sáng anh chị Hùng nói :
 -Thôi chúng mình lên đường.
     Tất cả hành lý chúng tôi đã để sẳn từ chiều gần cửa ra vào. Anh chị Hùng xách phụ hành lý đem xuống xe của anh chị. Chiếc xe hơi của anh chị Hùng tuy nhỏ nhưng đã chứa hết 2 cái valise của chúng tôi. Đó là nhờ tài khéo léo sắp xếp của anh  Hùng. Xe từ từ lăn bánh, tôi ngoái đầu lại phía sau nhìn xuyên qua kính xe, lòng luyến tiếc lâng lâng dù biết rằng chỉ đi có một tháng, xa vắng căn nhà, cây trồng nhất là giàn rau mồng tơi đang xanh mướt, một dãy cây hoa Quỳnh đã trổ hoa năm nay rất là kỳ lạ, có hai hoa  mọc hai bên rìa của một lá xong tréo lại thành hình quả tim, những chậu rau dắp cá, tía tô, hẹ, húng quế v.v., một  mái ấm hạnh phúc, một túp lều lý tưởng cho đôi uyên ương.


   Đến cổng phi trường Montpellier Méditerranée thời gian quá sớm. Chưa có ai tới làm việc. Chúng tôi phải ngồi chờ đợi đến 5 giờ sáng thì thấy nhân viên bắt đầu đến hành sự. Anh Hùng như là nhân vật chính trong chuyến đi nầy. Anh đi tới lui không ngừng bước trước chổ tiếp nhận vé máy bay của hành khách và làm thủ tục cân hành lý. Anh tới nói với một nhân viên đàn ông (người Pháp) rằng vợ tôi là người đang thuộc diện tàn tật, cần một chiếc xe lăn đã ghi danh trong hồ sơ lúc mua vé máy bay. Sau khi xem xét giấy tờ của chúng tôi hợp lệ, họ đem đến cho vợ tôi một chiếc lăn. Một tay nàng chống gậy, một tay níu chặt lấy tay chồng, chân bước khập khểnh theo sự dìu dắt thật chậm của chồng từ từ ngồi trên chiếc xe lăn. Trước giờ phút chia tay anh chị Hùng, Nho móc máy ảnh ra nhờ anh Hùng chụp cho một tấm ảnh làm kỷ niệm.


     Chụp hình xong, đã đến giờ chúng tôi đi vào bên trong nhà kiếng. Một nhân viên thi hành phận sự đến đẩy chiếc xe lăn đưa Nho vào bên trong. Anh chị Hùng đưa tay vẫy chào tạm biệt và gởi lời chúc chúng tôi lên đường vui tươi và bình yên. Khoảng cách giữa chúng tôi với anh chị Hùng xa dần rồi mất hút vào trong không gian.
     Tôi bám sát theo chiếc xe lăn, hai tay xách hai túi đựng đồ gọn nhẹ. Bánh xe lăn qua các ngõ ngách tắt ngang mà chỉ có nhân viên hành sự mới được đi và vào thôi. Dù được ưu tiên vấn đề được ngồi xe lăn nhưng chúng tôi vẫn phải chấp hành luật an ninh phi trường. Phải qua vị trí kiểm soát từ thân thể con người đến hành trang mang theo giống như bao nhiêu người khác. Và kế đó, chúng tôi được hướng dẫn tới phòng ngồi chờ đợi lên máy bay.
   Sau khi ổn định chổ ngồi chờ đợi cho Nho, tôi nói với nàng :
- Em ngồi đây nghe, anh đi tìm chổ bán thuốc lá mua giùm cho anh Hùng.  
Tôi đi nhanh tìm khắp cửa tiệm, nhưng thuốc lá hiệu ba số 5 không có bán tôi đành quay trở lại chổ Nho ngồi với nét mặt không được thoải mái lắm. Nho hỏi :
- Sao,  có không anh?   
Tôi lắc đầu, đáp nhanh:
 - Không có bán hiệu ba số 5, anh đâu dám mua các hiệu khác. Mà anh thấy các hiệu thuốc khác bán cũng mắc quá.
 - Không có bán, thôi mình để lên máy bay mua chắc rẻ.   
 Gần tới giờ máy bay cất cánh nhân viên kiểm soát vé bắt đầu tới vị trí làm việc. Một điều sung sướng nhứt la chúng tôi được ưu tiên vào máy bay trước,  ở đây cũng có người tới đẩy chiếc xe lăn đưa Nho đi nhanh vào bụng máy bay. Lẽ dĩ nhiên tôi được hưởng theo. Chúng tôi được xếp ngồi ghế hàng thứ ba. Chúng tôi trút hết mọi lo lắng qua hơi thở mạnh để nhẹ lòng ngực. Nhứt là tôi luôn luôn mang bệnh lo âu. Giờ đây kể như xong một giai đoạn đầu của chuyến đi sang Mỹ dự Đại Hội Thơ và thăm bên gia đình vợ.
   Đúng 6 giờ 40 máy bay Air France, mang số AF 7681 khởi động cho máy bay nổ máy và từ từ lăn bánh trên phi đạo của phi trường Montpellier Méditerranée độ chừng 2 phút sau máy bay cất cánh bay hỏng khỏi mặt đất. Đến 8 giờ 10 phút máy bay đáp xuống phi đạo của phi trường Charles de Gaulle, cửa số 2D. Bước xuống phi trường nầy chúng tôi vẫn tiếp tục hưởng quy chế ưu tiên cho du khách tật nguyền. Vì chúng tôi được nhân viên hành sự đưa đi qua các chổ dành riêng cho nhân viên phi trường đi. Nhờ vậy  chúng tôi đến phòng ngồi chờ đợi đi chuyến bay  từ Paris tới Chicago quá sớm so với giờ giấc du khách bình thường.

2.- Từ Paris đến Chicago và  San José

   Chúng tôi ngồi chờ đợi gần 2 tiếng đồng hồ tại phi trường Charles de Gaulle, đến 11 giờ chúng tôi bắt đầu lên máy bay số US 6943 của hảng máy bay US AIRWAYS để đi tới Chicago. Đây là lần thứ nhì tôi đặt chân lên máy bay. Lần đầu năm 1992, tôi cùng đứa con trai rời phi trường Singapour đi qua Pháp dưới diện người tị nạn chính trị. Lúc đó nhằm vào chuyến bay đêm nên tôi không nhìn thấy gì phía ngoài máy bay. Còn bây giờ là trời sáng nên tôi đã nhìn tận mắt thấy bên ngoài máy bay đang bay trên không trung. Ôi, một hình ảnh đối với tôi vô cùng mới lạ, tôi cảm tưởng rằng tôi đang là người của thế giới khác. Tôi nhìn qua cửa sổ máy bay, trông xuống phía dưới toàn là mây trắng và giống như bông gòn. Xa xa tôi thấy mây chụm lại từng cụm trông như dãy núi dài bất tận. Tôi xoay người lại về phía Nho đang ngồi mà nét mặt  đổi sắc vì có lẽ ngồi lâu nàng thấm mệt. Tôi nói qua giọng ngạc nhiên :
- Em, bên ngoài mây đẹp quá. Lần đầu tiên anh mới thấy.               
 Nho cười nhẹ hài hòa với nỗi vui lạ của tôi. Lúc nầy tôi cảm tưởng mình  giống như là một đứa trẻ nít lần đầu tiên theo mẹ cha dẫn đi dạo phố chổ đông người với bao ánh đèn màu rực rỡ.
   Thời gian dài từ Paris đến Chicago là 9 tiếng 25 phút. Tôi thấy trong người có vẻ hơi mệt. Tôi biết chắc rằng Nho cũng mệt nhiều. Chúng tôi có lúc nhắm mắt để dỗ giấc ngủ để quên nỗi mệt nhọc và mong thời gian qua mau để xuống phi trường Chicago. Gần tới phi trường Chicago, phóng thanh từ phòng lái của  viên phi công báo cho du khách biết là máy bay sắp đáp xuống phi trường, các động tác an toàn được chiêu đãi viên hàng không hành động lại chủ yếu để nhắc nhở du khách hãy cẩn thận tránh điều bất trắc nếu lỡ xảy ra khi máy bay đáp xuống mặt đất. Bánh xe máy bay ngừng lăn trên phi đạo và đậu vào đúng vị trí cho du khách rời khỏi máy bay, tôi nhìn đồng hồ theo giờ địa phương là 13 giờ 30, giờ của  tiểu bang Chicago. Đây là cửa khẩu then chốt vào nước Mỹ. Vì vậy tất cả du khách ngoại quốc đến nước Mỹ đều phải trải qua tất cả cuộc sát hạch, kiểm soát gắt như chụp hình, lấy dấu tay. Hành lý phải lấy ra xong rồi gởi trở lại để kiểm soát lần nữa trước khi chuyển tới trạm cuối cùng, nơi mình muốn xuống.
     Và tại đây chúng tôi cũng được sự ưu tiên di chuyển nhanh chóng vào phòng ngồi chờ đợi  lên máy bay giống như những lần trước.

      Thời gian nầy cả hai chúng tôi thật sự vui mừng. Nhất là tôi không còn sợ sệt gì nữa. Nho lộ nét mặt tươi như bông hoa nở buổi sáng là nàng sắp gặp lại những người thân thương mà 30 năm xa cách nhau miệt mài nhung nhớ.
     15 giờ 10 qua cửa O’ Hare, chúng tôi lên chiếc máy bay số US 6055 để đến phi trường San Jose. Chúng tôi nôn nóng mong thời gian trôi nhanh. Chúng tôi không còn ngủ được. Vì chỉ còn 4 giờ đồng hồ nữa thôi là chấm dứt chuyến hành trình đi ở giai đoạn đầu là tới San José để thăm gia đình. Lúc nầy tôi cảm thấy như máy bay bay với tốc độ chậm và nhìn ra bên ngoài qua ô cửa, tôi có cảm giác như máy bay ngừng bay, dừng lại một chỗ. Nhưng rồi cũng sẽ đến...
     17 giờ 41 phút máy bay đáp xuống phi đạo San Jose. Chúng tôi được đưa nhanh ra cửa C để chờ anh Chính tới rước về nhà. Chúng tôi tới quày cho ra hành lý của du khách để tìm lấy valise của mình. Nhưng chúng tôi chỉ thấy có 1 valise thôi. Sau một thời gian quay quần tìm kiếm cuối cùng chẳng thấy đâu, Nho vào văn phòng phi trường khiếu nại về sự thất lạc valise thứ hai nầy. Riêng tôi ở ngoài chờ đợi và tới lui cửa C để đón anh Chính.
     18 giờ 02 phút trong lúc Nho đang tiếp xúc với nhân viên phi trường ở trong văn phòng khiếu nại thì anh Chính đến. Từ xa chúng tôi nhận ra nhau. Có lẽ nhờ nhìn được ngay là do đã xem hình trước. Cách chừng 5 thước, cả hai, anh vợ và em rể đưa tay chào mừng. Tôi đi tới gần anh Chính, chưa kịp bắt tay anh thì anh Chính lên tiếng trước:
- Xin lỗi Minh Cảnh nghe, mình đến trễ.
- Dạ, kính chào anh. Lúc này, tôi không còn quan tâm đến việc giờ giấc trễ hay sớm nữa. Tôi nóng lòng, vô đề ngay :
- Anh Chính, có một vấn đề là lạc một valise, Nho đang ở trong văn phòng khiếu nại kia, anh vào xem sao.
   Anh Chính lặng lẽ nhanh chân bước đi về hướng văn phòng. Tôi đứng ngoài chờ đợi. Một lúc sau, Nho và anh Chính cùng đi ra. Tôi đến sát bên Nho hỏi :
- Sao em?
- Họ sẽ tìm và liên lạc với mình sau. Em đã đưa biên lai ghi số valise bị thất lạc và anh Chính cho họ số điện thoại để liên lạc, Nho trả lời.
Tôi im lặng nhìn hai người. Nho lại lên tiếng :
- Thôi, giờ mình đi về nhà.
   Chúng tôi tiến nhanh ra cửa và theo chân anh Chính băng qua lộ tới chỗ xe anh Chính đậu. Xe anh Chính là thuộc loại mini van tương tự như xe 8 chỗ ngồi của Pháp ( Renault espace).
     Tất cả 3 người lên xe. Anh Chính lái xe hướng về nhà. Tôi nhìn thành phố và quốc lộ của nước Mỹ quả thật lời đồn không sai. Nước Mỹ lớn thì cái gì cũng lớn và rộng rải. Đường lộ lớn hơn bên Pháp nhiều, nhà cửa kiến trúc tối tân. Anh Chính cho xe chạy được một đoạn đường, anh vừa nói vừa đưa ra cho chúng tôi xem tập thơ “ Tình Chàng Ý Thiếp” đã được in tại nhà in của Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại ở San José, Hoa Kỳ. Lần này mới chính thực là bìa quyển sách TCYT so với bản chánh 90% . Nhưng cũng cho là đẹp và trang nhả, có thể mai đây đem ra Đại Hội trình làng được rồi. Anh Chính nói :
- Sách in ra trông cũng đẹp chứ?
Nho nói :
- Dạ, đẹp. Còn lần trước lúc gởi mẫu in cho mình xem trông xấu quá.
Tôi nói thêm vào :
- Ít ra cũng như vầy, tuy không giống bản chánh.
 Anh Chính và chị Điệp dự định là tối nay sau khi rước chúng tôi về nhà là dẫn nhau đi ăn cơm tiệm ở quán Việt Nam hay là quán Mỹ.
Nhưng Nho nói :
- Thôi đi quán ăn làm gì. Ăn ở nhà, có gì ăn nấy.
Tôi cũng phụ họa, mắt nhìn thẳng vào anh Chính :
- Đúng vậy anh ạ. Mình ăn ở nhà vui hơn.
     Anh Chính lặng lẽ một khắc rồi cũng đồng thuận theo ý kiến của chúng tôi. Rồi anh móc trong túi áo lấy cell phone gọi báo chị Điệp rõ là đã đón rước Út Lớn và Minh Cảnh đang trên đường về nhà. Và sẽ dùng cơm ở nhà thay vì đi ăn ở tiệm.
     19 giờ 10 Chúng tôi về tới nhà anh chị Chính-Điệp. Nhà nầy xây dựng theo kiến trúc Mobil home có nghĩa là nhà có thể dời đỗi đi nơi khác.
     Anh Chính đánh tiếng hỏi dò ý sau khi chúng tôi tắm xong :
- Út Lớn và Minh Cảnh có muốn thưởng thức tài nấu nướng của chị Điệp chưa? Thích ăn món nào? Bún bò Huế hay Hủ tiếu Mỹ Tho?
     Nho không do dự đáp nhanh :
- Hủ tiếu Mỹ Tho
     Tôi và anh Chính cùng đồng ý theo ý của Út Lớn
     Thế là buổi tối đầu tiên tới đất Mỹ chúng tôi dùng một bữa ăn quê hương trong bầu không khí gia đình thật thân mật và đấm ấm. Suốt 30 năm dài đăng đẳng xa cách, nay hai anh em Chính & Út Lớn  gặp lại hàn huyên tâm sự không ngừng. Chị Điệp nói :
- Anh Cảnh ít nói.
- Út Lớn nói thế em rồi. Khi nào Út Lớn ngừng nói thì tới em.
     Và tôi cũng tự nghĩ : mình là người mới nhập cuộc vào gia đình bên vợ đâu có đề tài gì để nói. Tôi chỉ biết đùa giỡn một tí với đứa con trai thứ hai của anh chị Chính-Điệp. Chị Điệp thấy tôi giỡn với đứa con trai thứ hai của chị, chị nhắc khéo tôi :
- Đừng đùa với nó. Nó biết ai đùa với nó, nó giỡn nhây lắm. Tôi cười nhẹ rồi sau đó buông lơi dần sự đùa giỡn với trẻ con.
     Trong thời gian chờ đợi chị Điệp trổ tài nấu món Hủ tiếu Mỹ Tho, anh Chính dẫn chúng tôi đi viếng từng phòng trong căn nhà. Anh Chính chỉ đây là phòng ngủ của Út Lớn và Minh Cảnh. Kia là phòng tắm. Chỗ nọ là máy giặc đồ, máy sấy khô. Chúng tôi đi theo anh Chính hướng dẫn từng chổ để đồ dùng trong nhà cho chúng tôi quen mà lần sau tự túc xử dụng, vì chương trình của chúng tôi là ở nơi đây trong 20 ngày. Chị Điệp thì lo  làm bếp. Sau đó, anh Chính lo đi tắm rửa hai đứa con trai lớn 4 tuổi và 2 tuổi rưởi. Út Lớn phụ cho cháu nhỏ vừa mới sanh hôm tháng sáu bú sữa bình.


     Món hủ tiếu Mỹ Tho được dọn lên bàn nóng hổi, thơm phức mùi gia vị làm chúng tôi nôn nóng muốn ngồi vào bàn ăn liền. Anh Chính nói :
- Cứ việc ăn nghe, không có làm khách gì hết.
     Tôi ngồi vào bàn trước, rồi kế đó là Út Lớn, chị Điệp và người sau cùng là anh Chính.
   Gần 10 giờ đêm, có một cú điện thoại từ phi trường San José báo cho biết là valise bị thất lạc đã tìm ra rồi, valise bị lạc ở chuyến bay tới và khoảng 2 giờ sáng họ đem lại nhà. Anh Chính cầm đầu máy điện thoại nghe và đồng ý giờ giấc ấn định. Chúng tôi  hỏi anh Chính tại sao tới 2 giờ sáng họ mới đem tới. Anh Chính trả lời chúng tôi rằng máy bay có chứa valise bị lạc đáp trễ. Nếu mình không chịu thức đợi họ đem đến thì 8 giờ sáng mai mình phải tới phi trường lấy. Nhưng gần tới 11 giờ thì nhận thêm một cú điện thoại nữa  báo là sẽ có người đem valise tới ngay bây giờ.
   Một vài phút sau, ngoài cửa có tiếng động. Cả nhà đều đoán biết là nhân viên phi trường đem giao hành lý bị thất lạc ban chiều. Chúng tôi định cho người đem hành lý tới tận nhà một chút tiền nho nhỏ gọi là đáp công lao mang tới nhưng khi tôi ra tới cửa thì người giao hàng đã lên xe đi rồi.
     Anh Chính nói nửa đùa nửa thật :
- Chưa đòi tiền bồi thường đó là may rồi, ở đó mà còn cho tiền tip (pourpoire).
     Nhận lại valise bị thất lạc, chúng tôi mừng vô cùng, vì trong valise này có đồ của anh chị Hùng gởi cho gia đình má cùng các em của ảnh ở San José. Chúng tôi đem valise vào phòng ngủ kiểm lại thì thấy không mất một món nào, nhưng bị kiểm soát, quần áo đồ đạt tung toé không còn thứ tự như lúc chúng tôi sắp xếp ở nhà.
   Ngày đầu tiên chúng tôi tới đất Mỹ vui hưởng một bầu không khí gia đình, đầm ấm hạnh phúc, bù đắp lại 14 tiếng đồng hồ trên tuyến đường bay từ Pháp sang Mỹ, có thể mệt lã người nhưng lòng tràn đầy niềm hân hoan, nhứt là Út Lớn, vợ tôi lộ nét vui mừng tột cùng bởi được gặp lại người anh xa cách đúng 30 năm.
(còn tiếp)
Montpellier 02.12.2004
Minh Hồ&Minh Hồ Đào


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét